Sự hồi sinh của cây bưởi Phúc Trạch trên rốn lũ

08:14, 25/07/2021

Như chúng ta đã biết, năm 2016 là một năm người dân Hà Tĩnh phải chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai lũ lụt gây ra. Trên địa bàn huyện Hương Khê chịu ảnh hưởng liên tục của 5 trận lũ, từ 7-11/9/2016 và kết thúc bằng trận lũ 29/10-3/11/2016 đặc biệt là trận lũ kép từ ngày 15-23/10/2016 đã làm cho khoảng 90% diện tích trồng bưởi Phúc Trạch chìm trong nước. Bên cạnh đó lại có nhiều đợt mưa xen kẽ với lượng mưa khá lớn (trên dưới 50 ml) và thời gian có ngày nắng, tạnh ráo lại không nhiều. Nên bộ rễ của cây luôn luôn ngập chìm trong nước và bị tổn thương khá nặng, trong đó có khoảng 50% diện tích bưởi Phúc Trạch bị thối đầu rễ (năm 2016 toàn huyện Hương Khê có khoảng 1.800 ha bưởi Phúc Trạch đã trồng).

Trước thực trạng các vườn bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cho Trung tâm Khuyến nông lựa chọn giải pháp kỹ thuật và chuyển giao cho nông hộ trồng bưởi Phúc Trạch nhằm khôi phục sinh trưởng và phát triển các vườn bưởi. Trung tâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương thu thập thông tin, kết quả đã nghiên cứu, khôi phục sản xuất của nhiều vùng cam bưởi trên cả nước để xây dựng, thống nhất quy trình khôi phục sinh trưởng, phát triển vườn bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt.

Trung tâm Khuyến nông đã in ấn, phát hành tài liệu kỹ thuật cho 16 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý trồng bưởi Phúc Trạch, tài liệu này cấp cho các địa phương, các phòng ban chức năng của huyện và nông hộ để thực hiện; chuẩn bị đầy đủ mẫu vật sâu, bệnh và thuốc BVTV, kích thích ra rễ để tổ chức chuyển giao. Ngoài ra, mẫu thuốc BVTV, kích thích ra rễ cũng được chuẩn bị đầy đủ để trình diễn kết quả tại vườn cho nông hộ học tập. Tùy theo quy mô số nông hộ trồng bưởi, Trung tâm đã phối hợp với Phòng nông nghiệp và PTNT huyện, UBND các xã hình thành các lớp chuyển giao kỹ thuật có quy mô 50-70 người tại 16 xã và mỗi xã ít nhất là 02 lớp như: Hương Xuân, Hương Vĩnh, Hương Long, Hương Bình, Hòa Hải,… và các xã nhiều từ 5-7 lớp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây như: Hương Trạch, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố. Trung tâm đã phân công cụ thể cán bộ chuyên môn chuyển giao tổ chức theo dõi để thực hiện đồng bộ các khâu.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, các hội (hội nông dân, hội phụ nữ, …) đoàn thanh niên, … Đặc biệt, người dân của Hương Khê xác định bưởi Phúc Trạch là cây thu hoạch chính của nông hộ nên họ say sưa, miệt mài chú ý và thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật của cán bộ chuyên môn.

Ngoài công tác chuyển giao chung cho các địa phương, Trung tâm Khuyến nông còn bố trí 8 hộ tham gia thực hiện đầy đủ các khâu trong công tác khôi phục sinh trưởng để làm điểm giới thiệu và hướng dẫn, cụ thể tại Hương Trạch (2 hộ), Hương Thủy (3 hộ), Gia Phố (2 hộ), Hương Giang (1 hộ) với quy mô 2ha để trình diễn cho nông hộ trực tiếp tham quan học tập và tổ chức thực hiện. Kết quả ở cả 8 vườn bưởi (2ha) trình diễn môi trường vườn cây được khôi phục, bộ rễ được phục hồi; sâu, bệnh xâm hại được hạn chế, từ đó cây trồng sinh trưởng bình thường và đặc biệt không có cây bị chết do ảnh hưởng của lũ lụt, khả năng ra hoa đậu quả trong vụ Xuân đạt kết quả tốt.

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền đã được chú trọng, Trung tâm đã xây dựng phát sóng 3 phóng sự về kỹ thuật cải tạo, khôi phục vườn bưởi bị ảnh hưởng của lũ lụt trong chương trình Nông nghiệp - Nông thôn trên Đài truyền hình Hà Tĩnh; xây dựng thông báo mức độ ảnh hưởng và giải pháp kỹ thuật khắc phục vườn bưởi qua hệ thống truyền thanh của xã, thôn, xóm theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây bưởi với hơn 500 cuộc để người dân thực hiện.

Đến nay, kết quả các vườn bưởi Phúc Trạch thực hiện đảm bảo các khâu trong chăm sóc đã khôi phục đạt hơn 80%, các địa phương tiếp tục thực hiện chăm sóc đảm bảo để cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt. Bên cạnh đó, bưởi Phúc Trạch là cây trồng mang rễ nấm nên khi ngập nước nhiều ngày sẽ bị tổn thương nặng, lại chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như cuối năm 2016, đầu năm 2017 làm cho quá trình ra hoa, đậu quả thất thường. Vì vậy, cần có công trình nghiên cứu sâu để xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.