Bưởi Phúc Trạch của huyện Hương Khê đã “hồi sinh” thần kỳ và đang từng bước khẳng định vị thế cây chủ lực của tỉnh.
Bưởi Phúc Trạch được xem là “đệ nhất danh quả” của miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh, là một trong những giống bưởi ngon nhất của Việt Nam. Năm 1939, dưới thời Pháp thuộc, bưởi Phúc Trạch đã từng được tặng thưởng nhiều huy chương giải thưởng nhờ chất lượng. Năm 2004, bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ KH&CN cấp nhãn hiệu hàng hóa. Đây cũng là một trong những loại trái cây đặc sản của Việt Nam được chọn để chiêu đãi các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị APEC 2006.
Bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Bưởi có mùi thơm nhẹ tự nhiên, vị ngọt hơi thanh chua đặc trưng mà các giống bưởi khác hiếm có. Đặt nhúm tép bưởi lên cánh lưỡi vị ngọt nhẹ lan tỏa vào cuống họng, ngấm vào chân răng, xông lên hệ thần kinh mang đến một cảm giác thật khác biệt. Hương vị mê hoặc của giống bưởi này có lẽ đến từ thổ nhưỡng tại Hương khê - vùng khí hậu nóng nhất của Hà Tĩnh. Nơi dòng Ngàn Sâu ngàn năm nay bồi đắp phù sa cổ, gốc phốt phát đặc trưng, vùng tiểu khí hậu này chênh lệch biên độ nhiệt ngày đêm rõ nét…Tất cả cộng hưởng, hòa quyện, tạo nên hương vị riêng cho bưởi Phúc Trạch. Mỗi độ thu về là mùa bưởi chín, du khách đến Hương Khê và người Hương Khê đi chơi nơi khác ít ai quên mua một ít bưởi làm quà.
Tép bưởi Phúc Trạch màu trắng hơi hồng, vị ngọt thanh rất đặc biệt
Bưởi Phúc Trạch trở lại ngôi vị cây chủ lực tỉnh Hà Tĩnh
Vậy mà đã có thời, thứ “Đệ nhất danh quả” này đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”, giữa mùa bưởi mà ở làng Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh), người dân không “bói” ra một quả bưởi để mời khách. Những năm 1997 – 2010, bưởi Phúc Trạch bắt đầu mất mùa triền miên, hầu hết diện tích trên địa bàn ra hoa nhưng không đậu quả. Người dân ồ ạt chặt bưởi trồng dó trầm. Có những thời điểm, người ta bắt đầu quên đi sự hiện diện của loài bưởi đặc sản đã tồn tại hàng trăm năm này. Trong lúc đó, cây dó trầm đang lên ngôi, giá bán cao ngất ngưởng. Nhà nhà thi nhau trồng dó trầm vì đất ở Phúc Trạch rất phù hợp giông cây này. Hễ có khoảng đất trống là có cây dó trầm mọc lên. Từ 250ha đất quy hoạch trồng bưởi, cả Phúc Trạch lúc bấy giờ chỉ còn chưa đến 30 ha bưởi. Những vườn bưởi tiền tỷ cũng bị đốn ngã, nhường chỗ cho cây dó trầm.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, bưởi Phúc Trạch đã hồi sinh, cho những mùa quả ngọt...Diện tích, năng suất và sản lượng những năm qua tăng đều đặn. Nông dân phấn khởi quay trở lại trồng loại cây có múi đặc sản này. Đến nay, bưởi Phúc Trạch đã giành lại ngôi vị là cây chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh và chọn làm đối tượng thực hiện thí điểm phát triển kinh tế số.
Điều mừng nhất có lẽ là từ đầu tháng 8/2020, sản phẩm bưởi Phúc Trạch của huyện Hương Khê được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ. Đây là thành công bước đầu của Hà Tĩnh nói chung và Hương Khê nói riêng để một sản phẩm chủ lực của tỉnh vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực. Cả huyện Hương Khê nay có gần 3 ngàn héc ta, dự kiến sản lượng năm 2021 có thể lên đến 21763 tấn, ước khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Bưởi Phúc Trạch tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử
Để phát triển bền vững và bảo vệ thương hiệu loại đặc sản này, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh triển khai thực hiện chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và dưa bưởi Phúc Trạch lên “sàn”. Hiện Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh cũng đã làm việc với Bộ Công thương, các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam để xây dựng gian hàng bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh trên các sàn thương mại như: Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Sendo (Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ), Hatiplaza.com (Sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh). Đây được coi là nước đi khôn ngoan của tỉnh khi “đi trước, đón đầu” xu hướng tiêu thụ nông sản trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.
Việc mở rộng kênh phân phối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, nhất là các kênh phân phối hiện đại, các sàn giao dịch điện tử, trang mạng xã hội sẽ giúp bà con tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ tránh tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, điều này cũng mở ra cơ hội để người tiêu dùng cả nước được tiếp cận và thưởng thức thứ quả nức tiếng “Đệ nhất danh quả” xứ Hà Tĩnh.