Những giải pháp Hà Tĩnh đang triển khai như xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử... đang mở ra phương thức kinh doanh mới giúp tiêu thụ bưởi Phúc Trạch hiệu quả hơn.
Bưởi Phúc Trạch là một trong những loại trái cây đặc sản của vùng đất miền Trung Hà Tĩnh, giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân nơi đây. Dù vậy, loại đặc sản này cũng không tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp khiến việc tiêu thị hàng hóa ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Nỗi buồn “Ông trăng vàng Phúc Trạch”
Bưởi Phúc Trạch là loại quả được xem là “đệ nhất danh quả” của huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Từ thời nhà Nguyễn, bưởi Phúc Trạch đã được đưa vào cung đình để tiến vua. Năm 1939, dưới thời Pháp thuộc, bưởi Phúc Trạch đã từng được tặng thưởng nhiều huy chương giải thưởng nhờ chất lượng. Năm 2012, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản “Bưởi Phúc Trạch” của tỉnh Hà Tĩnh được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. Dẫu vậy, đệ nhất danh quả xứ Hà Tĩnh cũng gặp phải tình trạng đươc mùa mất giá. Đầu ra của bưởi Phúc Trạch vẫn đang phụ thuộc phần nhiều vào sự bấp bênh của thị trường. Vụ bưởi Phúc Trạch năm nay, toàn huyện Hương Khê có khoảng 2.700 ha với với 160 hợp tác xã, tổ hợp tác và gần 2.800 hộ sản xuất. Sản lượng dự kiến đạt khoảng 21.000 tấn (ước tính khoảng hơn 500 tỷ đồng).
Bản đồ truy xuất nguồn gốc bưởi Phúc Trạch tỉnh Hà Tĩnh trên hệ thống https://buoiphuctrach.gov.vn/
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến việc vận chuyển, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch gặp nhiều khó khăn. Bởi bưởi Phúc Trạch hiện chủ yếu được bán ở thị trường Nghệ An và ngoài Bắc nhưng hiện các địa phương này đều đang trong thời điểm giãn cách nên tiểu thương không dám nhập bưởi. Vì nguyên nhân này mà giá bưởi năm nay hiện giảm sâu hơn so với mọi năm nhưng vẫn vắng khách mua. Đợt dịch này đặc biệt dịch kéo dài, nên việc tìm được đầu ra cho trái bưởi sẽ là bài toán khó của các hộ sản xuất nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Bên cạnh đó hiện tượng lạm dụng thương hiệu bưởi Phúc Trạch cũng đang ngày càng nhức nhối. Hiện đã có nhiều địa phương như: huyện Can Lộc, Thạch Hà, Vũ Quang, Kỳ Anh… (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đổ xô trồng bưởi Phúc Trạch. Do đó bưởi Phúc Trạch (Hương Khê) đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu do có sự trà trộn của bưởi ở các vùng đất khác. Dù Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch từ năm 2004.
Đi tìm lời giải cho đặc sản bưởi Phúc Trạch
Nhằm giải quyết những vấn đề trên, tỉnh Hà Tĩnh và đặc biệt là huyện Hương Khê đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh triển khai thực hiện chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc trên cây bưởi Phúc Trạch. Bởi việc số hóa sẽ hỗ trợ mở rộng kênh phân phối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, nhất là các kênh phân phối hiện đại, các sàn giao dịch điện tử, trang mạng xã hội. Hiện Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh cũng đã làm việc với Bộ Công thương, các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam để xây dựng gian hàng bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh trên các sàn thương mại như: Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Sendo (Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ), Hatiplaza.com (Sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh).
Bưởi Phúc Trạch tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử
Trong khi đó tỉnh cũng khuyến khích các nhà vườn thực hiện truy xuất nguồn gốc và dán tem truy xuất để quản lý quá trình sản xuất, từ đó đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng nông phẩm đầu ra. Với tem truy xuất lên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận thông tin về nhà vườn, điều kiện canh tác, thông tin chi tiết của sản phẩm. Đối với được sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý như bưởi Phúc Trạch, việc này sẽ giúp loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Những nỗ lực này cho thấy quyết tâm của tỉnh Hà Tĩnh chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất bưởi Phúc Trạch để làm nền tảng phát triển kinh tế số kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh đưa nông phẩm lên sàn TMĐT. Hy vọng rằng trong tương lai, bưởi Phúc Trạch sẽ khẳng định được vị thế đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và Việt Nam nói riêng.